Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu cần những giải pháp toàn cầu. Khi EU tăng cường các mục tiêu về khí hậu, nhưng nhiều quốc gia ngoài EU vẫn duy trì các chính sách khí hậu ít nghiêm ngặt hơn, nguy cơ xảy ra hiện tượng gọi là “rò rỉ carbon” sẽ tăng lên.
“Rò rỉ carbon” xảy ra khi các công ty trong EU chuyển hoạt động sản xuất gây phát thải cao sang các quốc gia có chính sách khí hậu kém nghiêm ngặt hơn EU, hoặc khi các sản phẩm của EU bị thay thế bởi hàng nhập khẩu có lượng phát thải carbon cao hơn.
Như vậy, CBAM chính là một phần của Thỏa thuận Xanh của Châu Âu, trong đó có mục tiêu biến Châu Âu trở thành châu lục đầu tiên đạt mức trung hòa khí hậu vào năm 2050. Một bước trung gian là giảm phát thải CO₂.
Định nghĩa CBAM
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU là công cụ của EU nhằm định giá công bằng lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các mặt hàng có hàm lượng carbon cao nhập khẩu vào EU và khuyến khích sản xuất công nghiệp sạch hơn ở các quốc gia ngoài EU.
Bằng cách xác nhận rằng giá đã được trả cho lượng khí thải carbon được tạo ra trong quá trình sản xuất một số hàng hóa nhập khẩu vào EU, CBAM sẽ đảm bảo giá carbon của hàng nhập khẩu tương đương với giá carbon của sản xuất trong nước và các mục tiêu về khí hậu của EU không bị phá hoại. CBAM được thiết kế để tương thích với các quy tắc của WTO.
CBAM sẽ được áp dụng theo chế độ chính thức từ năm 2026, trong khi giai đoạn chuyển tiếp hiện tại kéo dài từ năm 2023 đến năm 2025. Việc áp dụng CBAM dần dần này phù hợp với việc loại bỏ dần việc phân bổ hạn ngạch miễn phí theo Hệ thống giao dịch phát thải của EU (ETS) để hỗ trợ quá trình khử cacbon cho ngành công nghiệp EU.
Sản phẩm bị ảnh hưởng theo CBAM
Quy định CBAM áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu như xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện, và hydro, liên quan đến lượng phát thải khí CO2, nitơ oxit và perfluorocarbons. Với các mặt hàng nằm trong Phụ lục I của Quy định (EU) 2023/956, đều thuộc phạm vi áp dụng. Trong tương lai, sắt, thép, nhôm và hydro sẽ bị đánh thuế dựa trên lượng phát thải trực tiếp. Xi măng, phân bón và điện cũng sẽ được đưa vào phạm vi điều chỉnh và bị đánh thuế đối với cả phát thải trực tiếp và gián tiếp.
CBAM có khả năng mở rộng để bao gồm thêm các lĩnh vực và sản phẩm khác và dự kiến sẽ bao gồm tất cả các lĩnh vực nằm trong Chương trình giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu (EU ETS) vào năm 2030.
Lưu ý: Yếu tố quyết định là mã hàng hóa (HS code, đôi khi là mã CN) trong 4-8 ký tự đầu. Nếu mã hàng hóa được liệt kê trong Phụ lục I, sản phẩm đó sẽ bị ảnh hưởng.
CBAM hoạt động như thế nào?
Các nhà nhập khẩu EU phải nộp đơn xin cấp tư cách người khai báo CBAM được ủy quyền. Các nhà nhập khẩu cũng có thể chỉ định đại diện hải quan gián tiếp để nộp đơn xin cấp phép. Mỗi người khai báo CBAM được ủy quyền sẽ được cấp một số tài khoản CBAM.
Sổ đăng ký CBAM và Nền tảng trung tâm chung là hai yếu tố chính của quy định CBAM. Sổ đăng ký CBAM bao gồm dữ liệu về người khai báo, nhà điều hành và cơ sở lắp đặt CBAM được ủy quyền tại các quốc gia ngoài EU. Nền tảng trung tâm chung sẽ được sử dụng để bán và mua lại chứng chỉ CBAM.
Xem thêm: CÁC TIÊU CHUẨN QUAN TRỌNG VỀ VAN VÀ THIẾT BỊ TRONG NGÀNH F&B
Ảnh hưởng của CBAM đến chuỗi cung ứng toàn cầu
Dữ liệu của nhà cung cấp ảnh hưởng đến giá sản phẩm tại EU
Giá sản phẩm tại EU gắn liền với lượng khí thải carbon, do đó, dữ liệu khí thải không chính xác có thể làm tăng chi phí sản phẩm, tác động đến tính cạnh tranh và giá cả trên thị trường quốc tế.
Rủi ro pháp lý cho nhà nhập khẩu
Nhà nhập khẩu có thể bị phạt tài chính nếu dữ liệu khí thải không chính xác. Điều này đòi hỏi nhà nhập khẩu và nhà cung cấp phải hợp tác chặt chẽ để đảm bảo dữ liệu chính xác, tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Tối ưu hóa vận hành và cải tiến công nghệ để giảm phát thải
Để tránh chi phí cao do thuế carbon, các doanh nghiệp sẽ cần cải tiến quy trình sản xuất và hợp tác với nhà cung cấp nhằm giảm phát thải, nâng cao hiệu quả vận hành và duy trì sự bền vững trong chuỗi cung ứng.
Cải thiện mối quan hệ và tính minh bạch với nhà cung cấp
Việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nhà cung cấp là cần thiết để đảm bảo sự chính xác trong báo cáo và tuân thủ quy định của CBAM, đồng thời giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu giảm phát thải và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cơ hội nâng cao bền vững và cạnh tranh
CBAM cung cấp cơ hội cho các doanh nghiệp giảm phát thải, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tạo lợi thế cạnh tranh bằng cách cải thiện tính minh bạch và hiệu quả trong việc giảm khí thải carbon.
Các công ty cần phải làm gì?
Từ ngày 1 tháng 10 năm 2023 đến ngày 31 tháng 12 năm 2025, các công ty nhập khẩu hàng hóa vào EU sẽ phải khai báo, trong các báo cáo hàng quý, tổng khối lượng sản phẩm nhập khẩu và lượng khí thải được nhúng trong mỗi sản phẩm. Điều này bao gồm cả khí thải trực tiếp và gián tiếp. Họ sẽ không phải mua bất kỳ hạn ngạch carbon nào ở giai đoạn này.
Từ ngày 1 tháng 1 năm 2026, các công ty áp dụng sẽ cần phải mua số lượng chứng chỉ CBAM tương đương để bao gồm các khí thải “ẩn” này. Nếu các nhà nhập khẩu có thể chứng minh giá carbon đã được thanh toán trong quá trình sản xuất, mức thuế có thể được giảm để tránh việc đánh thuế hai lần.
Nhìn chung, điều này có nghĩa là:
- Các công ty nhập khẩu hàng hóa vào EU sẽ cần phải làm việc với các nhà cung cấp của họ để thu thập dữ liệu cần thiết. Ví dụ, yêu cầu lượng khí thải trong quá trình sản xuất hoặc dấu chân carbon của từng sản phẩm hoặc vật liệu.
- Doanh nghiệp cần đánh giá rủi ro tài chính liên quan đến CBAM và tác động từ việc nhập khẩu, sau đó cân nhắc lợi ích và hạn chế của các địa điểm sản xuất.
- Nhà nhập khẩu cần xem xét ưu và nhược điểm khi chọn các nhà cung cấp có phát thải thấp bên ngoài EU hoặc chuyển sản xuất vào trong EU.
- Các nhà cung cấp nguyên liệu hoặc sản phẩm cho EU cần cung cấp dữ liệu về lượng phát thải hoặc dấu chân carbon của sản phẩm.
Xem thêm: Tiêu chuẩn mặt bích ANSI
Các quốc gia áp dụng thuế carbon
Hiện có 27 quốc gia áp dụng thuế carbon: Argentina, Canada, Chile, Trung Quốc, Colombia và Liên minh châu Âu (27 quốc gia), Nhật Bản, Kazakhstan, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore, Nam Phi, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Ukraine. Các quốc gia khác đang cân nhắc tham gia bao gồm Brazil, Brunei, Indonesia, Pakistan, Nga, Serbia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Hơn nữa, hiện có 64 sáng kiến định giá carbon đang có hiệu lực trên toàn cầu ở nhiều cấp độ khu vực, quốc gia và tiểu quốc gia, với ba sáng kiến khác được lên kế hoạch triển khai, theo Ngân hàng Thế giới. Tổng cộng, các sáng kiến này ước tính sẽ bao phủ 21,5% lượng khí thải nhà kính toàn cầu vào năm 2021.
Hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị đối phó với CBAM
Ảnh hưởng của CBAM đến doanh nghiệp Việt Nam
- Chi phí sản xuất và xuất khẩu gia tăng
CBAM yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu vào EU phải tuân thủ quy định về thuế carbon hoặc mua chứng chỉ phát thải, làm tăng chi phí sản xuất và xuất khẩu. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành có mức phát thải cao như thép, xi măng, chế biến gỗ và các lĩnh vực tiêu tốn nhiều năng lượng.
- Thúc đẩy cải thiện hiệu suất năng lượng và giảm phát thải
Để giảm gánh nặng chi phí từ CBAM, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải carbon. Điều này đặt ra áp lực lớn nhưng cũng là cơ hội để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.
- Tuân thủ quy định và yêu cầu chứng nhận phát thải carbon
CBAM buộc doanh nghiệp phải có hệ thống đo lường và báo cáo lượng phát thải một cách minh bạch. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng quy trình giám sát và quản lý khí thải để đáp ứng các quy định Quốc gia và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU.
- Nguy cơ mất thị phần xuất khẩu
Việc không đáp ứng được quy định của CBAM có thể khiến hàng hóa Việt Nam kém cạnh tranh hơn do chi phí gia tăng hoặc bị loại khỏi thị trường EU, nhường cơ hội cho các sản phẩm có mức phát thải thấp hơn.
- Thay đổi trong việc đầu tư công nghệ
Bên cạnh thách thức, CBAM cũng tạo động lực để doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh, tận dụng năng lượng tái tạo, đầu tư vào công nghệ và giải pháp ít phát thải. Đây có thể là bước đệm giúp nền kinh tế Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Xem thêm: Tiêu chuẩn EHEDG
Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì để ứng phó với CBAM?
Để giảm thiểu tác động từ Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) của EU, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị chủ động, từ quản lý phát thải đến cải thiện công nghệ sản xuất. Dưới đây là những bước quan trọng:
Xây dựng hệ thống đo lường và báo cáo phát thải carbon
- Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống thu thập, kiểm soát và báo cáo dữ liệu phát thải carbon trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
- Không chỉ theo dõi phát thải trong quá trình sản xuất mà còn phải có thông tin về nguyên liệu đầu vào, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của CBAM.
Giảm phát thải trong quá trình sản xuất
- Tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm lượng khí thải CO2, hạn chế tiêu thụ năng lượng hóa thạch.
- Đầu tư vào công nghệ sạch, nâng cấp dây chuyền sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.
- Các ngành có nguy cơ cao như thép, xi măng, nhôm, giấy, phân bón… cần đặc biệt chú trọng giảm phát thải để không vượt ngưỡng tiêu chuẩn EU.
Tuân thủ và thích ứng với định giá carbon
- Doanh nghiệp cần tìm hiểu và chuẩn bị cho khả năng Việt Nam áp dụng cơ chế định giá carbon, giúp giữ lại một phần thuế carbon thay vì nộp hoàn toàn cho EU.
- Hợp tác với các đơn vị thẩm định tín chỉ carbon để rút ngắn thời gian xác minh dữ liệu và tối ưu hóa chi phí tuân thủ CBAM.
Tăng cường hợp tác với các đối tác châu Âu
- Doanh nghiệp xuất khẩu cần sẵn sàng cung cấp thông tin phát thải carbon theo yêu cầu từ nhà nhập khẩu EU, đảm bảo tính minh bạch và chính xác.
- Chủ động tham gia đối thoại, làm việc với các tổ chức chứng nhận carbon để đáp ứng quy định một cách hiệu quả.
Theo dõi chính sách và tìm kiếm hỗ trợ
- Cập nhật các hướng dẫn từ cơ quan quản lý nhà nước để có lộ trình phù hợp trong việc đáp ứng CBAM.
- Tận dụng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để cải tiến công nghệ, chuyển đổi sang sản xuất bền vững.
- CBAM không chỉ là thách thức mà còn là động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sản xuất xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Xem thêm: Tiêu chuẩn OIML là gì?
Với hơn 16 năm kinh nghiệm trong cung cấp thiết bị và giải pháp quy trình toàn diện cho các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất và xây dựng tại Việt Nam, chúng tôi đã giúp hàng ngàn doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí và giảm phát thải. Bằng việc tuân thủ các quy định Quốc gia và Quốc tế, chúng tôi không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.