Phát thải khí nhà kính là gì?
Theo TCVN ISO 14064-1:2018, Phát thải khí nhà kính là giải phóng khí nhà kính vào bầu khí quyền.
Các loại khí nhà kính
- CO2 (Carbon dioxide): là một loại khí không màu, không mùi, gồm một nguyên tử carbon và hai nguyên tử oxy. Đây là loại khí phổ biến nhất, chiếm hơn 75% lượng khí thải toàn cầu.
- CH4 (Mêtan): Là thành phần chính của khí tự nhiên và cũng là một loại khí nhà kính. Sự xuất hiện của CH4 trong khí quyển có tác động lớn đến hệ thống khí hậu và nhiệt độ Trái Đất. Mặc dù CO2 có tác động lâu dài hơn, nhưng metan có khả năng gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn nhiều lần, nó khả năng giữ nhiệt cao hơn CO2 gấp 25 lần trong thời gian 100 năm.
- N2O (Nitrous oxide): Hiệu ứng giữ nhiệt mạnh hơn 298 lần so với CO2. Khoảng 40% tổng lượng phát thải N2O trên toàn cầu là do các hoạt động của con người. Theo tính toán của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), N2O chiếm khoảng 6% tổng lượng khí nhà kính và lượng phát thải đã tăng 30% trong vòng 40 năm qua.
- Khí flo hóa (HFCs, PFCs, SF6): Có khả năng giữ nhiệt cao, công suất lớn hơn CO2 từ 1.000 đến 23.900 lần.
Ngành năng lượng là nơi sử dụng SF6 nhiều nhất, chiếm hơn 80% lượng tiêu thụ toàn cầu. Loại khí này thường được dùng trong thiết bị đóng cắt điện (switchgear) – một thành phần quan trọng trong hệ thống lưới điện. Ngay cả năng lượng gió cũng sử dụng SF6, khiến nó không thể được coi là hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Nguồn phát thải chính
- Sản xuất điện và nhiệt: Việc đốt than, khí đốt tự nhiên và dầu để sản xuất điện và nhiệt là nguồn phát thải khí nhà kính toàn cầu lớn nhất.
- Ngành công nghiệp: Lượng khí thải nhà kính từ ngành công nghiệp chủ yếu liên quan đến nhiên liệu hóa thạch được đốt tại chỗ tại các cơ sở để lấy năng lượng. Ngành này cũng bao gồm lượng khí thải từ các quá trình chuyển đổi hóa học, luyện kim và khoáng sản không liên quan đến tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải từ các hoạt động quản lý chất thải. (Lưu ý: Lượng khí thải từ việc sử dụng điện công nghiệp bị loại trừ và thay vào đó được bao gồm trong ngành Sản xuất điện và nhiệt.)
- Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Sử dụng đất Khác : Lượng khí thải nhà kính từ lĩnh vực này chủ yếu đến từ nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) và nạn phá rừng. Ước tính này không bao gồm CO2 mà các hệ sinh thái loại bỏ khỏi khí quyển bằng cách cô lập carbon (ví dụ trong sinh khối, đất).
- Vận tải: Lượng khí thải nhà kính từ lĩnh vực này chủ yếu liên quan đến nhiên liệu hóa thạch được đốt cho vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không và đường biển. Hầu như toàn bộ (95%) năng lượng vận tải của thế giới đều đến từ nhiên liệu gốc dầu mỏ, chủ yếu là xăng và dầu diesel.
- Tòa nhà: Lượng khí thải nhà kính từ lĩnh vực này phát sinh từ việc tạo ra năng lượng tại chỗ và đốt nhiên liệu để sưởi ấm trong các tòa nhà hoặc nấu ăn tại nhà.
Quy trình kiểm kê phát thải khí nhà kính: Hướng dẫn chi tiết
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) phối hợp với IFC cho ra mắt sổ tay hướng dẫn kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính (GHG). Sổ tay được phát triển với sự hỗ trợ từ IFC, SECO và BSI nhằm giúp doanh nghiệp kiểm kê, báo cáo phát thải GHG dễ dàng hơn, tuân thủ quy định pháp lý và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Chi tiết quy trình kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính theo sổ tay hướng dẫn:
Bước 1: Thiết lập phạm vi hoạt động của tổ chức và phạm vi báo cáo
Có hai cách tiếp cận để xác định phạm vi kiểm kê và báo cáo khí nhà kính. Cách thức thứ nhất và phổ biến nhất là phương pháp kiểm soát. Với phương pháp này, lượng phát thải khí nhà kính công bố bắt nguồn từ những gì doanh nghiệp có thể kiểm soát trực tiếp. Kiểm soát này là kiểm soát tài chính hoặc kiểm soát vận hành trực tiếp.
Bước 2: Thiết lập năm cơ sở
Tổ chức phải thiết lập một năm cơ sở cho lượng phát thải khí nhà kính để có thể so sánh trong tương lai. Năm cơ sở thường bao gồm cả năm (dương lịch hoặc tài chính) nhưng trong một số trường hợp, có thể phản ánh một khoảng thời gian cụ thể trong một năm hoặc nhiều năm (nếu như vậy phù hợp hơn cho hoạt động của doanh nghiệp). Nếu đây là lần kiểm kê khí nhà kính đầu tiên, doanh nghiệp có thể sử dụng năm hiện tại làm năm cơ sở để đo lường thay đổi lượng phát thải khí nhà kính theo thời gian (miễn là phạm vi và ranh giới mang tính đại diện cho hoạt động của doanh nghiệp và việc báo cáo trong những năm tới mang tính tương đương – có thể so sánh được).
Bước 3: Thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Phạm vi 1: Phát thải khí nhà kính trực tiếp trực tiếp
Phát thải khí nhà kính trực tiếp phát sinh từ các nguồn do doanh nghiệp sở hữu hoặc kiểm soát. Phạm vi 1 tương đương với Category A của ISO 14064-1:2018.
Ví dụ hoạt động đốt nhiên liệu tại chỗ, phát thải từ hoạt động sản xuất và các quy trình liên quan, thất thoát môi chất lạnh và phát thải từ xe cộ của công ty.
Phạm vi 2: Năng lượng – Phát thải khí nhà kính gián tiếp là phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng điện, nhiệt hoặc hơi nước được mua từ nhà cung cấp bên ngoài ranh giới của tổ chức.
Phạm vi 2 tương đương với Category B của ISO 14064-1:2018.
Hiện nay hầu hết các quốc gia đều quy định báo cáo phát thải khí nhà kính đối với phạm vi 1 và 2 là bắt buộc.
Phạm vi 3 là Phát thải khí nhà kính gián tiếp khác do các hoạt động của doanh nghiệp nhưng từ các nguồn mà doanh nghiệp không sở hữu hoặc kiểm soát (ví dụ: đi lại bằng đường hàng không). Phạm vi 3 tương đương với Category C, D, E, F của ISO 14064-1: 2018
Cách tính:
Lượng phát thải khí nhà kính = Dữ liệu Hoạt động khí nhà kính x Hệ số Phát thải
Bước 4: Quản lý Chất lượng Kiểm kê khí nhà kính
Kế hoạch Quản lý Kiểm kê KNK (IMP) mô tả quy trình của một doanh nghiệp thực hiện kiểm kê KNK chất lượng cao trên toàn doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sử dụng IMP để thể chế hóa quy trình thu thập, tính toán, và duy trì dữ liệu KNK.
Mục tiêu của IMP là:
- Đảm bảo sự phù hợp với các nguyên tắc kiểm kê KNK đã được doanh nghiệp đặt ra và ghi nhận;
- Đảm bảo tính nhất quán với mục đích sử dụng dự kiến của kết quả định lượng KNK;
- Kiểm tra thường xuyên và nhất quán để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ của việc định lượng KNK;
- Xác định và giải quyết các lỗi và thiếu sót;
- Lập hồ sơ và lưu trữ hồ sơ định lượng KNK liên quan, bao gồm các hoạt động quản lý thông tin.
- Tham khảo Chương 7 của Tiêu chuẩn Công ty Nghị định thư về KNK (Quản lý Chất lượng Kiểm kê) có thêm thông tin về xây dựng và duy trì IMP.
(https://ghgprotocol.org/sites/default/files/standards/ ghg-protocol-revised.pdf )
Bước 5: Lập báo cáo
Báo cáo Phát thải KNK cần bao gồm:
- Chương 1: Mô tả chung về mục tiêu của tổ chức và mục tiêu kiểm kê KNK
o Bao gồm mô tả về doanh nghiệp báo cáo, những người chịu trách nhiệm thực hiện, mục đích của báo cáo, người sử dụng dự kiến, chính sách phổ biến thông tin, giai đoạn báo cáo, và tần suất báo cáo, dữ liệu và thông tin đưa vào báo cáo (danh sách các KNK được tính toán và giải thích), và các tuyên bố của doanh nghiệp về kế hoạch thẩm định báo cáo (nếu có).
- Chương 2: Phạm vi tổ chức
o Bao gồm mô tả và giải thích về phạm vi và phương pháp hợp nhất.
- Chương 3: Phạm vi báo cáo
o Bao gồm mô tả và giải thích về các loại phát thải được xem xét.
- Chương 4: Kiểm kê định lượng phát thải và loại bỏ KNK
o Bao gồm các kết quả dữ liệu định lượng theo nhóm phát thải hoặc loại bỏ, mô tả phương pháp luận và dữ liệu hoạt động sử dụng, tài liệu tham khảo và/hoặc giải thích và/hoặc tài liệu về các yếu tố phát thải và loại bỏ, độ không đảm bảo đo và tác động về chính xác đối với kết quả (được phân tách theo nhóm), và mô tả kế hoạch hành động để giảm độ không đảm bảo đo cho kiểm kê trong tương lai.
- Chương 5: Sáng kiến giảm phát thải KNK và theo dõi hiệu quả nội bộ
o Doanh nghiệp có thể báo cáo các sáng kiến giảm KNK của tổ chức mình và kết quả theo dõi hiệu quả nội bộ.
Bước 6: Thẩm định
- Việc thẩm định tạo sự tin tưởng đối với kiểm kê và báo cáo KNK. Nếu doanh nghiệp có ý định công bố công khai báo cáo kiểm kê KNK, thì báo cáo nên được thẩm định độc lập để xác nhận các tính toán là chính xác, việc kiểm kê đã hoàn tất, và doanh nghiệp đã sử dụng phương pháp luận chính xác.
- Một số yếu tố cần xem xét khi lựa chọn tổ chức thẩm định: (i) kinh nghiệm và năng lực trong việc thực hiện thẩm định báo cáo kiểm kê KNK; (ii) hiểu biết về các vấn đề KNK bao gồm các phương pháp định lượng; (iii) hiểu biết về hoạt động của doanh nghiệp và ngành nghề chính của doanh nghiệp; (iv) có danh tiếng trong việc cung cấp dịch vụ thẩm định một cách khách quan, đáng tin cậy và độc lập.
- Tham khảo thêm ISO 14064-3:2019 hoặc TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN ISO 14064-3:2011 (tương đương phiên bản ISO 14064-3:2006) về Quy định kỹ thuật và hướng dẫn đối với thẩm định và kiểm định của các xác nhận khí nhà kính.
Vai trò của kiểm kê phát thải trong chiến lược phát triển bền vững
Kiểm kê phát thải đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp bằng cách cung cấp dữ liệu chính xác về lượng khí thải phát sinh. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể xác định các giải pháp tối ưu để giảm thiểu tác động môi trường, đồng thời nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và tài nguyên.
Xác định điểm phát thải cao
Việc kiểm kê giúp doanh nghiệp nhận diện chính xác các khu vực hoặc quy trình có lượng phát thải cao. Điều này cho phép doanh nghiệp tập trung vào các giải pháp kiểm soát khí thải hiệu quả hơn, như cải tiến công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất hoặc thay thế nguồn năng lượng sạch hơn.
Giúp doanh nghiệp đầu tư hiệu quả vào giảm thiểu khí thải
Dựa trên kết quả kiểm kê, doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định đầu tư phù hợp vào các công nghệ và giải pháp giảm phát thải. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí vận hành lâu dài mà còn đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, nâng cao uy tín thương hiệu và mở rộng cơ hội kinh doanh trong các thị trường xanh.
Tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến kiểm kê và báo cáo khí nhà kính